Lốp xe ô tô là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với mặt đường, đồng thời phải nâng đỡ toàn bộ trọng lượng của xe nên rất dễ bị hao mòn. Do đó, chủ xe cần phải thường xuyên kiểm tra và bảo dưỡng chúng để đảm bảo tính an toàn khi sử dụng xe!
Lốp xe ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình vận hành của phương tiện như khả năng đánh lái, phanh… Nó được cấu tạo bởi cao su, có độ đàn hồi và độ bền cực cao. Tuy nhiên, do phải tiếp xúc với mặt đường nên chúng nhanh bị hao mòn và hư hỏng (T).
Ngoài ra, việc sử dụng đúng loại lốp và kích thước lốp cũng rất quan trọng. Nó ảnh hưởng tới hiệu suất vận hành và sự an toàn khi sử dụng xe. Bên cạnh đó, ngoài những yếu tố về vật lý như độ rộng của bề mặt hay đường kính của lốp thì cũng có một số chi tiết khác mà bạn cần phải lưu tâm. Chẳng hạn như chỉ số tải trọng và tốc độ.
Vậy bạn đã hiểu hết về những vấn đề liên quan tới lốp xe hơi hay chưa? Hãy cùng xưởng ô tô 911 theo dõi bài viết sau đây để có thêm những thông tin hữu ích cho bản thân nhé!
Tìm kích thước lốp xe ô tô chuẩn ở đâu
Bạn có thể tìm được mọi thông số về lốp ô tô trong sách hướng dẫn sử dụng xe. Nếu bạn đã mất sách hướng dẫn sử dụng xe hoặc không tìm thấy thông tin ở trong sách, bạn có thể tìm ở một số vị trí trên xe ô tô như:
- Trên lốp xe nguyên bản.
- Trên nắp bình nhiên liệu.
- Thanh đứng của khung cửa cạnh ghế lái.
Cách đọc kích thước và thông số lốp xe
Để hiểu hơn về cách đọc kích thước là thông số của lốp xe, chúng tôi sẽ lấy một ví dụ cụ thể là: P225/70R16 91S.
1. Chữ cái “P” và “LT”
Trên hầu hết các dòng xe, bạn thường sẽ thấy chữ cái “P” đầu tiên trong dãy ký tự thông số lốp xe. Chữ “P” ở đây là từ viết tắt của “P-metric, được quy định dành cho lốp xe du lịch, được ký hiệu bởi Tổ chức mâm và lốp xe Mỹ.
Điều này có nghĩa rằng đây là loại lốp được thiết kế chủ yếu dành cho những xe chở khách, trong đó bao gồm cả xe du lịch, minivan, SUV và những loại xe bán tải.
Còn nếu như bạn thấy lốp xe ô tô của mình có chữ “LT” đầu thì có nghĩa đây là loại lốp dành cho xe tải nhẹ. “LT” là từ viết tắt của “LT-metric”, cũng là do Tổ chức mâm và lốp xe Mỹ quy định dành cho xe tải nhẹ. Lốp xe tải nhẹ được thiết kế dành cho những xe chở hàng nặng hoặc xe đầu kéo.
Tương tự, nếu bạn thấy ký tự “T” thì đây có nghĩa là “tạm thời” và nó là các loại lốp dự phòng. Còn nếu thấy chữ “ST” thì có nghĩa nó dành cho xe moóc chuyên dụng.
2. 225 – Độ rộng của bề mặt lốp
Số 225 đầu tiên trong dãy ký tự thể hiện độ rộng của bề mặt lốp được tính theo đơn vị Milimet:
Độ rộng của bề mặt lốp luôn là khoảng cách giữa 2 thành lốp. Do đó, nếu lốp xe ghi là “P225” thì có nghĩa đây là loại lốp xe chở khách có chiều rộng là 225 Milimet.
3. 70 – Độ cao của thành lốp và độ rộng của bề mặt lốp
Phía sau dấu gạch chéo (/) là dãy số thể hiện tỉ số giữa độ cao của thành lốp và độ rộng của bề mặt lốp. Về cơ bản nó sẽ cho bạn biết được bề dày của lốp P225/70R16 91S.
Tỉ số này được tính bằng phần trăm (%). Các hãng sản xuất lốp sẽ tính toán tỉ lệ dựa trên độ cao thành lốp chia cho độ rộng bề mặt lốp. Nếu như lốp xe có số 70 thì bề dày của lốp sẽ là 70% độ rộng bề mặt lốp.
Những loại lốp có tỉ số thấp hơn như dòng lốp 60 thường mang tới khả năng xử lý tốt hơn so với các dòng lốp có tỷ số cao. Chẳng hạn như dòng 75.
4. R – Cấu trúc của lốp
R – cấu trúc lốp thể hiện khả năng giữ thăng bằng của lốp. Có 2 dạng cấu trúc lốp bạn có thể thấy trên lốp xe ô tô, đó là:
- R – Radial.
- D – Diagonal hoặc Bias Ply.
Tại Việt Nam, loại lốp Radial là loại lốp thông dụng nhất hiện nay. Cấu trúc lốp Radial gồm các sợi mành chạy song song với nhau và hướng vào tâm, từ mép này tới mép kia, chúng vuông góc với trục xoay.
5. 16 – Đường kính mâm xe
Thông số tiếp theo chính là đường kính của mâm xe vừa vặn với lốp, được tính theo đơn vị “inch”. Ví dụ trong dãy thông số P225/70R16 91S thì đường kính mâm xe sẽ là 16 inch.
6. 91 – Chỉ số tải trọng
Chỉ số tiếp theo trong dãy số cho chúng ta biết khối lượng mà lốp xe có thể tải được khi bơm căng, được tính bằng pound.
7. S – Chỉ số tốc độ
Chỉ số cuối cùng trong dãy thông số P225/70R16 91S chính là chỉ số về tốc độ, được thể hiện bằng chữ cái “S”. Chỉ số này tương ứng với tốc độ tối đa dựa trên những bài kiểm tra tiêu chuẩn.
Ví dụ, lốp xe có chỉ số tốc độ “S” sẽ chịu được khoảng tốc độ tới 112 mph, trong khi những lốp xe có chỉ số “R” chỉ chịu được tốc độ tới 106 mph. Tuy nhiên, đây không phải là tốc độ được khuyến cáo, bạn nên di chuyển theo giới hạn tốc độ mà đoạn đường đấy cho phép.
Những loại lốp xe ô tô có chỉ số tốc độ cao thì sẽ mang tới khả năng vận hành tốt hơn. Lốp xe dự phòng phải có chỉ số tốc độ bằng hoặc cao hơn lốp đang sử dụng, để có thể duy trì tốc độ xe.
Nếu xe trang bị nhiều loại lốp khác nhau với chỉ số tốc độ khác nhau, thì chỉ số tốc độ nhỏ nhất sẽ là tốc độ tối đa mà xe nên chạy.
Cách kiểm tra và đo áp suất lốp
Thông tin về áp suất lốp luôn được ghi trong sách hướng dẫn sử dụng xe hoặc trên miếng decal dán vào cửa/bệ cửa xe. Chỉ số này được thể hiện bằng PSI, KPa hay Bar và đây là mức áp suất tối đa cho phép.
Cụ thể, 1 PSI (Pound per square inch) = 6,895 Kpa. Trong đó, 1 KPa = 1.000 Pa = 1.000 kg/cm2. Trong đó, 1 KPa = 0.01 Bar; PSI, KPa hay Bar là một trong những đơn vị đo chỉ số áp suất lốp xe phổ biến được in trong sách hướng dẫn sử dụng xe, hoặc trên đồng hồ đo áp suất lốp.
Mỗi loại lốp xe sẽ có mức áp suất khuyến nghị khác nhau. Vậy nên bạn cần kiểm tra xem loại mức áp suất tiêu chuẩn trên lốp xe của mình.
Phần lớn những mẫu xe MPV, sedan hay pickup có lốp kích cỡ nhỏ, áp suất lốp tiêu chuẩn thường ở mức 27 – 32 PSI. Một số mẫu xe hơi sử dụng các loại lốp đặc biệt có thể có mức áp suất lốp lên đến 40 PSI.
1. Cách kiểm tra áp suất lốp đúng cách
Để kiểm tra áp suất lốp xe ô tô, bạn có thể thực hiện theo 2 cách sau:
Kiểm tra áp suất trên thành lốp ô tô
Mỗi loại lốp xe có tiêu chuẩn áp suất khác nhau, mức áp suất lốp ghi trên thành lốp là mức áp suất tối đa mà loại lốp đó có thể chịu được. Tuy nhiên, đây không phải mức áp suất tối ưu khi vận hành.
Kiểm tra áp suất ghi trên bệ cửa
Áp suất lốp được ghi trên bệ cửa là áp suất mà nhà sản xuất khuyến nghị. Ngoài ra, áp suất thực tế của lốp còn được tính bù trừ với phần áp suất do số người ngồi/lượng hàng hóa trên xe.
Thông thường nếu giảm mức áp suất khuyến nghị đi 10 – 15% sẽ là mức áp suất hợp lý.
2. Điều chỉnh áp suất theo mùa
Đối với những người sử dụng xe lâu năm, họ có thể đánh giá mức áp suất lốp chỉ bằng cách nhìn và cảm nhận. Nhưng cách này không được chính xác, bởi vì lốp xe sẽ có xu hướng mỏng hơn theo thời gian, việc đánh giá áp suất lốp bằng mắt thường là rất khó.
Ngoài ra, thời tiết cũng sẽ ảnh hưởng tới áp suất lốp. Cụ thể, trong mùa hè nóng bức, không khí bị giãn nở hơn so với thông thường. Nên bạn cần phải bơm lốp non (mềm) hơn so với mức lý tưởng một chút để phòng ngừa lúc lốp nóng lên, áp suất cũng không bị quá mức chịu được của lốp.
Ngược lại, trong thời tiết lạnh giá, bạn nên bơm áp suất lốp vừa đủ để khi lốp nóng lên, áp suất trong lốp đạt được trạng thái lý tưởng nhất.
Có nên dùng cảm biến áp suất lốp không? xem ngay thông tin chi tiết về cảm biến áp suất lốp TPMS
Thời điểm kiểm tra áp suất lốp xe ô tô
Để đảm bảo khả năng vận hành, cũng như tính an toàn khi sử dụng xe, bạn nên kiểm tra áp suất lốp hàng tuần hoặc mỗi 30 ngày. Ngoài ra, khi nhiệt độ thay đổi đột ngột thì bạn cũng nên kiểm tra mức áp suất lốp và đưa ra điều chỉnh sao cho phù hợp.
Ngoài ra, ngay cả khi bạn không sử dụng xe và lốp đang còn mới, thì áp suất lốp cũng sẽ bị giảm khoảng 0.7 PSI/tháng. Vậy nên, nếu như chiếc xe của bạn lâu ngày không sử dụng, bạn cũng nên kiểm tra và tăng/giảm áp suất lốp sao cho hợp lý.
Thời điểm phải thay lốp ô tô
Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, lốp ô tô cần nên thay mới sau khoảng 60.000 – 100.000km. Tuy nhiên, cũng có những loại lốp cho phép sử dụng lên tới 130.000km hoặc chỉ sau 50.000km là mới cần phải thay.
Ngoài ra, bạn cũng có thể dựa vào thời gian để thay lốp mới. Theo đó, sau khoảng 5 năm sử dụng xe thì bạn cần thay lốp mới để đảm bảo hiệu suất vận hành của phương tiện.
Trong trường hợp sau 5 năm sử dụng, nếu lốp xe vẫn ở trạng thái bình thường thì bạn có thể tiếp tục sử dụng và tuổi thọ sử dụng tối đa của lốp là 10 năm. Lúc này, chủ xe bắt buộc phải thay mới lốp. Điều này cũng áp dụng với lốp dự phòng.
Các dấu hiệu cần thay lốp xe ô tô
Sau một thời gian sử dụng, lốp xe sẽ bị xuống cấp và xuất hiện các tình trạng như rạn nứt, mòn… Việc nắm rõ những dấu hiệu xuống cấp ở lốp xe sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc thay lốp mới, để đảm bảo tính an toàn khi sử dụng.
Dưới đây là một trong số những dấu hiệu cho thấy bạn nên thay lốp mới cho chiếc xe của mình:
1. Gai lốp bị mòn
Theo thông số tiêu chuẩn, độ sâu rãnh lốp từ 1.6mm trở lên là đạt giới hạn an toàn khi sử dụng. Vậy nên, nếu như rãnh hoa lốp thấp hơn mức 1.6mm thì bạn nên nhanh chóng thay lốp mới để tránh những rủi ro khi sử dụng xe.
2. Lốp xuất hiện nhiều vết cắt
Các vật sắc nhọn hay sỏi đá trên đường là nguyên nhân chính khiến lốp xe xuất hiện những vết cắt. Ngoài ra, hông lốp là vị trí chịu nhiều áp lực nhất do toàn bộ trọng lượng trên xe ép xuống và hơi đẩy sang hai bên. Nếu như xảy ra va chạm thì hông lốp dễ bị thủng và vết cắt sẽ xuất hiện.
3. Lốp xe bị phồng, biến dạng
Bề mặt lốp là vị trí phải tiếp xúc trực tiếp với mặt đường. Do đó sau thời gian sử dụng, lốp xe sẽ bị bong tróc, phồng và biến dạng. Nếu nhận thấy lốp xe ô tô của mình gặp phải tình trạng tương tự, bạn nên nhanh chóng thay mới để đảm bảo tính an toàn khi sử dụng xe.
4. Lốp xe bị “ăn đinh” quá nhiều
Lốp xe bị “ăn đinh” là tình trạng không mấy xa lạ hiện nay, khi mà tình trạng đinh tặc vẫn đang lộng hành. Nếu như chiếc xe của bạn bị cán đinh, bạn không nên tự ý rút đinh ra khỏi lốp.
Điều này sẽ khiến lốp bị giảm áp suất đột ngột, từ đó xe khó di chuyển tới các địa chỉ sửa chữa hơn. Nếu gặp trường hợp này, chủ xe hãy mang phương tiện đến gara/showroom nơi gần nhất để được sửa chữa hoặc thay lốp mới.
5. Áp suất lốp sụt giảm
Mỗi chuyến hành trình, chủ xe nên kiểm tra áp suất lốp để đảm bảo tính an toàn. Theo đó, bạn có thể theo dõi thông số áp suất ở sổ tay hướng dẫn sử dụng xe, hoặc trên giấy hướng dẫn dán trên vị trí khung cửa ghế lái. Nếu như bạn nhận thấy áp suất sụt giảm nhanh hơn thông thường, bạn nên thay mới lốp. Bởi đây là dấu hiệu cho thấy lốp xe đã bị rò rỉ khí.
6. Vô lăng bị rung lắc
Rung lắc tay lái thường xảy ra khi phương tiện di chuyển trên những cung đường rải đá, không bằng phẳng. Sau một khoảng thời gian điều khiển, người lái có thể nhận biết và phản xạ được nguyên nhân dẫn đến rung vô lăng.
Một trong số những nguyên nhân khiến vô lăng rung, đó là lốp xe mòn không đều. Lúc này, bạn nên mang xe đi kiểm tra, đảo lốp và cân bằng lốp. Nếu như vô lăng vẫn còn rung sau khi đảo lốp, bạn nên thay vỏ lốp xe.
Ngoài nguyên nhân do lốp, thì xe của bạn cũng có thể bị do lỗi ở phần thước lái, xem thông tin sửa chữa thước lái và những hư hỏng chi tiết
7. Lốp xe quá hạn sử dụng
Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, chủ xe nên thay mới lốp sau 6 năm sử dụng. Và khi đã sử dụng lốp xe ô tô trên 5 năm, thì cứ sau 1 năm bạn cần phải kiểm tra lại một lần.
Kinh nghiệm chọn lốp để thay.
Việc lựa chọn loại lốp để thay cho xe ô tô cũng vô cùng quan trọng. Theo đó, để đảm bảo khả năng vận hành của phương tiện, bạn nên sử dụng loại lốp nguyên bản của xe để thay cho cả 4 bánh.
Các chủ xe nên sử dụng loại lốp phù hợp với xe và cung đường di chuyển hàng ngày để tối ưu chi phí và đảm bảo tính an toàn, cụ thể:
- Di chuyển xe trong nội đô: Nên lựa chọn những loại lốp có hoa lốp mịn, nhỏ với khả năng chịu áp lực tốt và hạn chế tiếng ồn.
- Di chuyển đường trường, đường cao tốc: Nên chọn những loại lốp có khả năng bám đường và cự ly hãm phanh tốt.
- Di chuyển trên những đoạn đường xấu, phức tạp: Nên chọn loại lốp có bề mặt tiếp xúc lớn, gai lốp to và độ bền cao.
Làm sao để bảo dưỡng lốp gia tăng tuổi thọ
Để lốp xe ô tô đạt được tuổi thọ dài lâu nhất, chủ xe nên chú ý tới áp suất lốp, tránh bơm quá non (mềm) hoặc quá căng (cứng). Bởi điều này sẽ khiến việc tiếp xúc giữa mặt đường và lốp xe không đồng đều. Cụ thể:
- Lốp xe non sẽ khiến cạnh 2 bên tiếp xúc với đường nhiều hơn, kém linh hoạt, làm xe tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn…
- Lốp xe quá căng sẽ khiến phần giữa nhanh bị mòn, dễ bị nổ, giảm khả năng bám đường hay khả năng giảm xóc…
Thông thường, áp suất lốp tiêu chuẩn của các dòng xe sedan/hatchback cỡ nhỏ và trung sẽ rơi vào khoảng 30 – 40 PSI, Crossover/SUV/MPV sẽ là khoảng 45 PSI. Để biết chính xác áp suất lốp, chủ phương tiện có thể xem trên thành khung cửa ghế lái, sổ hướng dẫn sử dụng xe hoặc trên thành lốp.
Ngoài ra, bạn không nên điều khiển xe quá nhanh, thường xuyên phanh gấp và tuân thủ quy định về tải trọng thì lốp xe sẽ lâu hư hỏng hơn.
Việc vá lốp đúng cách giúp ngăn cản sự xâm nhập của các tác nhân bên ngoài như nước, bụi bẩn, bùn đất… gây hoen gỉ, oxy hóa. Đây là phương pháp giúp tiết kiệm chi phí, đồng thời đảm bảo được độ an toàn khi di chuyển.
Lốp xe cũng cần được bảo dưỡng định kỳ. Cụ thể, các hạng mục cần thực hiện bao gồm: đảo lốp, cân bằng động, cân chỉnh góc đặt bánh xe…
Xem ngay: Lịch bảo dưỡng xe hơi định kỳ
Trên đây là toàn bộ thông tin về lốp xe ô tô mà chúng tôi muốn gửi tới bạn đọc. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã có thêm những thông tin hữu ích dành cho bản thân.
Chúc các bạn lái xe an toàn!